Giải thích về Chứng chỉ quỹ và cách tính giá (NAV)?

lengochang

Tài xế Bạc
Thành viên BQT
WMpvCMM.jpg


Đây là một thuật ngữ làm khá nhiều người nhầm lẫn hơn bất cứ điều gì khác khi đề cập đến quỹ mở. Đó là giá trị, hiển nhiên rồi, nhưng là giá trị của cái gì nhỉ? Nó bao gồm những gì và thể hiện điều gì? Điều này dường như luôn dễ nhầm lẫn… Nào hãy xem câu chuyện ngắn sau đây…

ZvOMTuL.jpg


Giả sử bạn có một căn nhà với diện tích 100 mét vuông và bạn đang muốn bán nó đi. Vì thế bạn thuê một chuyên gia môi giới nhà đất và người này đã tìm được khách mua với giá 4 tỉ đồng, bao gồm 40 triệu phí môi giới. Điều này có nghĩa một mét vuông của căn nhà bạn có giá trị thực là 39 triệu 600 ngàn đồng. Vì sao thế?

Bạn lấy giá bán căn nhà trừ đi phí môi giới, rồi chia cho tổng kích thước của căn nhà. Giá này mới chính là giá trị thật sự của mỗi mét vuông trong căn nhà bạn. Tương tự vậy, giá chứng chỉ quỹ của một quỹ mở chính là tổng giá trị thị trường của tất cả các tài sản trong danh mục đầu tư mà quỹ đang nắm giữ bao gồm tiền mặt trừ đi các chi phí, và chia cho tổng số lượng chứng chỉ quỹ của quỹ mở đó. Giả sử, giá thị trường tất cả các tài sản của quỹ mở sau khi trừ đi chi phí là 100 tỉ đồng và quỹ đã phát hành 5 triệu chứng chỉ quỹ cho các nhà đầu tư.

Như vậy giá một chứng chỉ quỹ là 20 ngàn đồng. Giá trị thị trường của tất cả tài sản của quỹ có thể thay đổi mỗi ngày, điều này được phản ánh qua sự biến động giá chứng chỉ quỹ. Công ty quản lý quỹ phải công bố giá chứng chỉ quỹ sau mỗi ngày giao dịch.

Vậy tại sao giá chứng chỉ quỹ lại quan trọng? Đó là vì ba lý do sau:

  1. Khi một cá nhân đầu tư vào quỹ mở, nhờ có giá chứng chỉ quỹ anh ta tính toán được anh ta có thể mua bao nhiêu chứng chỉ quỹ. Giả sử, nếu giá chứng chỉ quỹ là 20 ngàn đồng và khoản tiền đầu tư là 100 triệu đồng, nhà đầu tư này sẽ mua được 5.000 chứng chỉ quỹ.
  2. Tương tự, khi bạn rút vốn đầu tư, có nghĩa là bạn rút tiền ra khỏi quỹ mở. Nếu giá chứng chỉ quỹ vào thời điểm rút vốn là 30 ngàn đồng, bạn sẽ nhận được 150 triệu đồng nếu bạn đang nắm giữ 5.000 chứng chỉ quỹ.
  3. Lý do thứ ba khiến giá chứng chỉ quỹ quan trọng là vì nó giúp đo lường kết quả hoạt động của quỹ. Bằng cách so sánh giá chứng chỉ quỹ của một quỹ mở ở hai thời điểm khác nhau, chúng ta sẽ biết quỹ mở đó có hoạt động tốt hay không. Ví dụ: Nếu hôm nay giá chứng chỉ quỹ là 25 ngàn đồng và 2 năm trước giá là 15 ngàn đồng, như vậy quỹ mở đó đã có lãi đơn là 66,7% sau hai năm hoặc lãi kép 29,1% mỗi năm.

Rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng quỹ có giá chứng chỉ là 10 ngàn đồng rẻ hơn so với những quỹ có giá là 20 ngàn đồng? Uhm, không hẳn thế. Ví dụ: hai quỹ ‘A’ và ‘B’ có NAV lần lượt là 10 ngàn đồng và 20 ngàn đồng. Giả sử đầu năm, Bạn đầu tư 100 triệu đồng vào mỗi quỹ, và bạn sẽ có được 10 ngàn chứng chỉ quỹ A và 05 ngàn chứng chỉ quỹ B.

Vào năm đó, cả hai quỹ đều hoạt động tốt và có lợi nhuận là 20%. Vào cuối năm, Giá trị của 10 ngàn chứng chỉ quỹ của quỹ A là 120 triệu đồng và 05 ngàn chứng chỉ quỹ B cũng là 120 triệu đồng. Vậy bạn thấy đó, dù giá chứng chỉ quỹ A thấp hơn nhiều so với quỹ B, giá trị của khoản đầu tư vào thời điểm cuối năm vẫn bằng nhau. Có nghĩa là giá chứng chỉ quỹ cao hay thấp không quan trọng, quan trọng là sự tăng trưởng của giá chứng chỉ quỹ.

Lợi nhuận của bạn sẽ cao hơn nếu quỹ mở mà bạn đang đầu tư tăng trưởng tốt hơn so với những quỹ khác. Chỉ đơn giản vậy thôi. Bạn có thấy những giải thích trên rõ ràng chưa nhỉ? Về cơ bản, giá chứng chỉ quỹ là giá bạn trả để đầu tư vào quỹ mở. Cũng như giá của mỗi mét vuông mà bạn sẽ nhận được khi bán nhà. Chúng tôi hy vọng bây giờ bạn đã hiểu rõ về giá chứng chỉ quỹ.
 
Top