Nguyên nhân và biện pháp chống SAY NẮNG cho tài xế công nghệ

hoangnam

Moderator trial
Thành viên BQT
Nghề tài xế là một nghề thực sự rất vất vả, có nhiều rủi ro và dễ gặp nhiều bệnh lý. Trong đó say nắng, say nóng là một trong những bệnh lý phổ biến, dễ gặp nhất đối với các bác tài xế. Vậy rất mong các bác tài dành vài phút để tìm hiểu kỹ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, các biện pháp xử lý khi gặp và cách phòng tránh bệnh này nhé.

gXsl8q3.png

1.Nguyên nhân

Nguyên nhân say nắng: Khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng, dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, thân nhiệt cơ thể sẽ tăng cao làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể.

Nguyên nhân say nóng: Làm việc trong môi trường nhiệt độ cao nóng bức (hầm lò, trong phòng kín...), hoặc hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ (chơi các môn thể thao cường độ cao, làm việc nặng nhọc kéo dài)...

2.Triệu chứng

Phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với nắng nóng, mắc độ tăng thân nhiệt của cơ thể.Ở mức độ nhẹ; mệt mỏi, khát nước, hoa mắt chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh chống ngực, chuột rút,…

Ở mức độ nặng đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch và có thể tử vong.

3.Các bước xử lý

Nếu nạn nhân tỉnh táo: Nhanh chóng tiến hành giảm thân nhiệt cho nạn nhân: Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn gần ngoài da như nách, bẹn, cổ.

Nếu nạn nhân hôn mê: không uống được, nôn, sốt cao liên tục kèm theo đau bụng, đau ngực, khó thở thì nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

Tại các trung tâm y tế, nạn nhân sẽ được truyền bù nước và điện giải cũng như các biện pháp hỗ trợ khác. Trong trường hợp nạn nhân sốt cao có thể dùng paracetamol để hỗ trợ hạ sốt. Nếu có co giật phải dùng các thuốc chống co giật cho bệnh nhân. Trường hợp nạn nhân hôn mê có thể phải đặt ống nội khí quản thở máy.

Nếu cấp cứu không kịp thời, bệnh nhân say nắng, say nóng dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng như tụt huyết áp, tăng men tim, thủng cơ tim, phù phổi, sặc, kiềm hô hấp, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp, hạ đường huyết, rối loạn đông máu, mất trí nhớ,…

4.Biện pháp phòng tránh

Đi ra ngoài trời nắng cần trang bị mũ nón, khẩu trang, quần áo dài để chống nắng.
Thường xuyên uống nước dù chưa khát, nên uống nhiều nước pha muối hoặc tốt nhất là uống oresol , nước trái cây.
Không nên làm việc quá lâu, quá sức ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức nhất là người già và trẻ em.

Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt là công xưởng, hầm lò.

Đối với lái xe: khi đang trong xe bật máy lạnh, cần tăng nhiệt độ trước khi bước ra bên ngoài nắng nóng.
Nên sử dụng một số thực phẩm phòng, chống say nắng, say nóng hiệu quả như sau:
  • Nước dừa: được mệnh danh là siêu thực phẩm với nhiều chất dinh dưỡng như Kali, magie, muối, đường tự nhiên… giúp cơ thể bớt háo nước, vừa giải nhiệt, chống nắng.
  • Dưa hấu có nhiều chất dinh dưỡng, vitamin C chống say nắng rất tốt.
  • Xoài xanh nhiều vitamin C làm tăng hệ miễn dịch phòng cảm lạnh mùa hè.
  • Ngoài ra còn một số thực phẩm khác như: mướp đắng, dưa chuột, bí ngô…
Hy vọng những thông tin trên có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về say nắng, say nóng. Từ đó, chúng ta chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống khi thời tiết nắng nóng để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội.

Nguồn beAcademy​
 
Top