Trước tiên, Grab không phải là taxi, để cho dễ hiểu hơn, chúng ta tạm gọi nó là ứng dụng hỗ trợ thuê xe du lịch.
Nói nó hoạt động kinh doanh vận tải giống taxi? Không, nó chỉ giúp kết nối khách cần thuê xe với đơn vị vận tải và thu lợi trên sự kết nối đó chứ hoàn toàn không kinh doanh vận tải theo luật định bởi nó... không có xe.
Có nhiều điểm cần lưu ý trong vụ kiện đình đám này về vấn đề pháp lý.
1. Mặc dù giấy phép có đăng ký kinh doanh vận tải nhưng Grab không hoạt động vận tải theo định nghĩa trong luật định (không có xe). Điều này là hoàn toàn được phép đối với bất kể cty nào có nhiều ngành nghề mà một trong số đó không hoạt động. Hiện tại, Grab đang hoạt động với ngành nghề hỗ trợ vận tải bằng công nghệ gọi xe qua phần mềm và thu lợi từ đó. Cho nên, việc Vinasun kiện Grab gây thiệt hại cho mình là điều khiên cưỡng.
Do khác ngành nghề hoạt động lại được phép thí điểm như là một đơn vị “hỗ trợ vận tải bằng ứng dụng dựa trên hợp đồng điện tử” nên khó có thể quy kết Grab vi phạm cạnh tranh theo luật định. Thời điểm đầu Grab hoạt động, Vinasun không có ứng dụng hỗ trợ gọi xe.
2. Với thiệt hại 41 tỷ mà Vinasun đòi Grab bồi thường, phải có chứng từ làm bằng chứng cụ thể chứng minh thiệt hại. Vấn đề này tương đối phức tạp. Vinasun có kinh doanh cả bất động sản, tức đa ngành nghề. Như vậy, họ có thể bị phản bác kết quả thiệt hại mà đơn vị giám định của họ đã đưa ra nếu không tách bạch được hai lĩnh vực này.
Việc suy giảm lợi nhuận của Vinasun có rất nhiều yếu tố chứ không thể chỉ do Grab. Có thể do nhu cầu thị trường, do giá xăng dầu, do quản lý,... những nguyên nhân đó cũng có thể gây ra thua lỗ.
Một điều tương đối khó phân định nữa là Vinasun căn cứ vào đâu để công bố thiệt hại 41 tỷ do một mình Grab gây ra trong khi hiện tại, có rất nhiều công ty hỗ trợ vận tải bằng ứng dụng như Fastgo, Vato... được nhà nước cho hoạt động và kể cả hàng chục các đối thủ taxi truyền thống cùng tham gia cạnh tranh. Tất cả đều có thể gây thiệt hại cho Vinasun chứ không chỉ riêng Grab.
Còn có rất nhiều điểm bất lợi cho Vinasun nhưng tạm thời ta thấy có hai điểm nổi bật nêu trên. Phán quyết cuối cùng là của toà án và chúng ta sẽ cùng chờ xem.
Tuy nhiên, thắng hay thua gì thì cũng khó cho Vinasun nói riêng và taxi truyền thống nói chung bởi họ quá bảo thủ và chậm cập nhật. Tới giờ này, ứng dụng gọi xe của họ còn yếu kém về mặt kỹ thuật lẫn sự thông minh, thuật toán lập trình tính giá thành còn còn thô sơ, không linh hoạt. Cách quản lý của họ còn cào bằng theo tư duy truyền thống. Hậu mãi khách hàng coi như không có gì.
Grab có lợi thế hơn bởi họ đem lại cho quản lý nhà nước, các hãng bán xe, cánh tài xế và khách đi xe nhiều thứ mà Vinasun không thể. Điều quan trọng nhất là cước phí rẻ, phù hợp, sự tiện lợi, linh động trong việc huy động xe nhàn rỗi, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và cả làm thêm ngoài giờ.
Thời buổi mới, thời buổi công nghệ thay đổi hằng ngày, thời buổi của tính đa chiều và sự khác biệt thì cái truyền thống thường khó có thể làm no bụng và thoả mãn tất cả. Cho dù có thắng kiện thì chỉ là vấn đề gỡ gạc về danh dự. Còn tương lai, Vinasun đã đánh mất đi hình ảnh đẹp nhất trong lòng mỗi khách hàng bởi tư duy bảo thủ và sự hẹp hòi luôn muốn kéo tụt tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Rất khó hiểu khi các lãnh đạo đầy kinh nghiệm của Vinasun quyết tâm khởi kiện Grab. Một vụ kiện mà thắng cũng khó có thể lấy lại được thị phần còn thua thì sẽ trắng tay về thương hiệu. Coi bộ, khó cho Vinasun lần này.
Nguồn FB: Chất lượng sống