[REVIEW] VÌ SAO CHÚNG TA ĐANG CẦN MỘT PHIM SIÊU ANH HÙNG NHƯ SHAZAM

lengochang

Tài xế Bạc
Thành viên BQT
Trong điện ảnh, có một thể loại phim mà chúng ta hay nghe, gọi là “feel-good genre”. Đây là thể loại tạo cảm giác hứng khởi, đầy năng lượng tích cực và những thông điệp lạc quan về cuộc sống.

3716


Shazam! có lẽ là bộ phim siêu anh hùng đầu tiên có pha với thể loại này một cách rõ ràng như vậy.
Nếu có một bài học mà DC và Warner Bros. dạy chúng ta, thì đó là bài học về sự vực dậy sau những cú ngã. Trải bao thăng trầm sóng gió với giai đoạn đầu trong kế hoạch thiết lập vũ trụ điện ảnh siêu anh hùng của mình, DCU nhận không ít chỉ trích lẫn doanh thu không mấy khả quan. Dù hấp tấp, vội vàng và có phần hiếu thắng trong đường đua với Disney và MCU, khán giả không thể phủ nhận được sự nỗ lực của họ qua thành công của Wonder Woman hay Aquaman. Với Shazam!, chúng ta đang nhìn thấy một Warner Bros và DC đạt tới một sự chững chạc nhất định và thức thời về tư duy làm phim. Cũng với Shazam!, thế giới được nhắc khéo rằng họ đã mất đi một mảng gì trong thể loại này suốt nhiều năm trời ròng rã của đế chế Marvel. Vì lẽ đó, phim là sự trưởng thành kịp lúc của DC lấy cốt lõi từ góc nhìn của những đứa trẻ con.

Khi vũ trụ siêu anh hùng của Disney và Marvel càng ngày càng được mở rộng, tính nghiêm trọng của phim mỗi lúc một dâng cao. “With great power comes great responsibilities”, câu nói này áp dụng rất đúng cho cương vị của Disney lúc này. Một khi đã đi quá xa, tạo nên một đế chế và vũ trụ quá lớn, trọng trách càng nặng trong việc giữ cho mọi thứ vừa phải cuốn hút, vừa phải mới mẻ lại vừa phải vĩ mô. Lại lấy chuyện Captain Marvel vừa rồi ra để nói, ý kiến trái chiều xoay quanh bộ phim cũng đi ra từ việc khán giả bị hụt hẫng bởi một tác phẩm mà họ cho là không có gì mới mẻ mà lại có phần quá an toàn. Tưởng tượng nếu đó là một phim của 2014 hay 2015, chắc mọi thứ sẽ khác. Bàn về chuyện vĩ mô và tính nghiêm trọng, thế giới cũng đã thấy đỉnh điểm của sự việc khi Thanos chiến thắng với cái búng tay diệt hết 50% vũ trụ (bao gồm phân nửa dàn cast). Và rồi họ, chúng ta đang đứng ngồi không yên đếm ngược từng ngày đến 26.4.2019.
Ra mắt một phim siêu anh hùng ngay trong giai đoạn này, DC và Warner Bros khá liều lĩnh. Vì nếu vẫn giữ mindset hiếu thắng, ăn thua cho đủ như trước, thì có khi sẽ là một cú ngã mới. May mắn quá, Shazam! đã thành hình, khiêm tốn, giản dị nhưng lại như một món ăn gần gũi mà lâu lắm rồi chúng ta đã không được ăn, một cảm giác vừa quen vừa lạ khiến khán giả không ngừng phá ra những tràn cười, những tràn pháo tay và cảm giác cực phấn chấn khi ra khỏi rạp. Chúng ta thắc mắc, nó là gì?
Đơn giản lắm, đó là câu chuyện về siêu anh hùng dưới lăng kính của một đứa trẻ.
Tại sao Spider-Man của ku cậu Tom Holland dù debut chưa lâu nhưng được khán già yêu mến? Đã bao lâu rồi chúng ta không được xem một tác phẩm siêu anh hùng mà trong đó nhân vật không phải gánh những trọng trách vĩ mô, mang vác số mệnh của một tập thể, một cộng đồng hay cả vũ trụ? Gần đây nhất mình nhớ là Spider-Man: Homecoming, một câu bé tuổi mới lớn dùng sức mạnh mới có của mình để thu hút sự chú ý của những người xung quanh. Trong cái sức mạnh cậu có được đi kèm với cái ngây ngô trẻ nít, tự tại. Dựa trên cơ sở này, cái làm Shazam! khác biệt là vì phim khai thác mối quan hệ giữa kẻ mạnh – kẻ yếu qua các tuyến nhân vật khá thuyết phục.
Cậu nhóc Billy Batson có lẽ không thể nào thảm hơn khi phim giới thiệu cậu cho chúng ta: cô đơn, không gia đình, tự bươn chải và hoài nghi cả thế giới. Khi được cho sức mạnh để trở thành một “nhà vô địch”, cậu vẫn chỉ là một gã con nít to xác. Ngay cả Thaddeus, phản diện ngầu lòi điều khiển 7 Tội Lỗi Chết Chóc, cũng là một gã to xác bị ám ảnh bởi dư chấn tâm lý từ lúc nhỏ. Victims of abuse becomes abuser themselves (nạn nhân của bạo hành sẽ trở thành kẻ bạo hành), Thaddeus không mong gì hơn là sự công nhận và chú ý từ những kẻ từng coi thường hắn, mà trong mắt hắn, có lẽ là cả thế giới. Phân đoạn siêu anh hùng và phản diện choảng nhau ở cửa hàng đồ chơi thật sự khiến mình thấy như hai đứa con nít to xác đang đánh nhau. Đây là một cú homage thú vị cho bộ phim “Big” ra mắt năm 1988, với sự tham gia của Tom Hanks trong vai một cậu bé ước được trở thành người lớn (xem ở phần comment). Cũng trong cửa hàng đồ chơi đó, câu bé 12 tuổi trong thân xác một người trưởng thành cũng dẫm lên các phím đàn piano dưới đất như Billy và Thaddeus trong phim.

Cuối cùng, vũ khí bí mật nhất của phim chính là các anh chị em nuôi của Billy. Ngoài trừ việc đó là một bức tranh đa dạng văn hóa, màu da, thì các bé khiến khán giả cười rất nhiều bởi sự dễ thương, hồn nhiên và những tình huống “trả treo” với motif phim siêu anh hùng. Chính những nhân vật nhí này đã khiến bộ phim trở thành một tác phẩm phù hợp với khán giả mọi lứa tuổi mà gia đình hoàn toàn có thể dắt con nhỏ đi xem.
Không xôi thịt và đen tối như Batman vs Superman, không tiên phong hô hào như Wonder Woman, không vội vàng vấp váp như Justice League, lại càng không phải bữa tiệc kỹ xảo như Aquaman, Shazam! chứng minh rằng thể loại siêu anh hùng có thể xây dựng từ những giá trị cốt lõi và giản dị nhất mà bất kì độ tuổi nào cũng có thể hiểu được: hành trình kiếm tìm sự yêu thương, ý nghĩa cuộc sống, tuổi mới lớn ẩm ương và quan trọng nhất là tình cảm gia đình. Có những lúc, phim phải kéo người xem lại bằng những easter eggs và reference từ các siêu anh hùng khác của DCU vì họ đã quên mất rằng họ đang xem một phim của DC. Shazam! rõ ràng là một phim siêu anh hùng pha với chất “feel-good” mà khán giả đang cần lúc này để nhắc cho ta nhớ về những đứa trẻ không bao giờ lớn tận sâu trong mỗi chúng ta.
Chấm 8/10 vì vẫn có vài cái plot holes nhỏ, nhưng tha thứ hết.
https://www.facebook.com/photo.php?...ZDRWruH7amcKoWsAt0yQ2sY2jCSAVIY7YnqCUDRG55Xou
 
Top