Dưới đây là tổng hợp các review, đánh giá và nhận xét của những bạn đã đi xem phim Bằng Chứng Vô Hình của Thái Lan.Phim được khởi chiếu từ ngày 10/07/2020 bởi các diễn viên nỗi tiếng như Phương Anh Đào, Quang Tuấn, Ái Phương, Otis, Anh Tú và phần review sẽ tuân thủ theo quy tắc là trung thực nhất và không Spoil phim để tránh việc khi bạn đi xem sẽ không còn hấp dẫn nữa.Nếu bạn đang có ý định đi xem phim này thì không thể bỏ qua các review bên dưới đây rồi nhé.
Bằng Chứng Vô Hình đã được gần 10 nước mua bản quyền phát hành.Phim thậm chí chưa họp báo ra mắt, chưa sneakshow cái gì hết ở Việt Nam luôn á, mà nước ngoài người ta "ngửi" thấy mùi phim hay nên đã mua bản quyền ngay và luôn rồi, nhanh như điện là có thật.Đây là thông tin nhà sản xuất CJ HK Entertainment ghi nhận sau khi giới thiệu bộ phim qua Hội chợ phim Cannes online 2020. Dù chưa phải là con số cuối cùng nhưng Bằng Chứng Vô Hình hiện đang trở thành phim Việt đạt doanh số bán quốc tế cao nhất trong tất cả các dự án của CJ HK Entertainment. Đây là thành thích đáng ghi nhận trong bối cảnh thị trường phim quốc tế nói chung chưa thật sự sôi động trở lại sau đại dịch Covid-19, đồng thời cũng là tín hiệu đầy tích cực để các nhà phát hành phim Việt mạnh dạn hơn trong việc phân phối sản phẩm ra nước ngoài.
Review 1
Từ đầu tới cuối phim phải gọi là "bánh cuốn" dã man. Khi vào rạp chúng ta đã đắm chìm vào một vụ án giết người căng thẳng đến mức người xem ám ảnh vô cùng, thậm chí còn không dám rời mắt khỏi màn hình để hóng tình tiết.
Những manh mối trong phim này dần được lộ ra, với những diễn biến từ hồi hộp cho tới căng thẳng, ức chế đều có ở đó. Kẻ nào hủy hoại bằng chứng bịt mắt đầu mối thì gọi luôn là "súc vật" đấy!
Bằng Chứng Vô Hình là bộ phim được remake từ bản Hàn Quốc (với tựa phim là Blind), vì vậy phim này gần như bám sát nội dung nhưng nó vẫn CUỐN. Cuốn từ âm thanh cho tới bối cảnh đen tối, cho tới diễn xuất là một điểm nhấn lớn.
Quang Tuấn từ Thiên Linh Cái ra rất hợp cho một vai phản diện - là một kẻ biến thái, cực kỳ bệnh hoạn. Coi mà ức chế vô cùng, nhưng vẫn thích!
Sau đó là một cái ẤN TƯỢNG MẠNH NHẤT trong phim chính là Phương Anh Đào - sau 2 năm kể từ Chàng Vợ Của Em thì bạn này diễn xuất vô cùng tốt, rất nhập vai là một nhân chứng mù. Dù mình chưa xem bản gốc nhưng vai diễn của Phương Anh Đào vượt xa hơn cả mong đợi của khán giả.
Sau khi trải qua những ngày giãn cách xã hội, xem Netflix hay cày game thì cuối cùng chúng ta lại có phim ngon để xem - đáng nói ở đây là từ đầu rạp mở cửa trở lại tới giờ là phim hàng Việt Nam chất lượng TÂY của nhà CJ HK Entertainment ra rạp đúng thời điểm - khai màn tháng 7 bùng nổ của hãng, và quan trọng là phim đã được 10 quốc gia mua bản quyền cho phim này... thật sự là XỊN XÒ PHẾT AE ƠI !!!
Bằng Chứng Vô Hình hiện đang có sneakshow từ thứ 4 và 5 sau 7 giờ tối, phim ra rạp ngày 10/7 - mà để mà mình khẳng định với anh em về phim này thì HÃY MUA VÉ ĐI XEM NGAY BÂY GIỜ LÀM ƠN hãy tới rạp và chứng kiến 200% nỗ lực của Phương Anh Đào và cả êkip nào!!!
Coi xong về là không thất vọng đâu!!! ???
Sắp tới, dự kiến thứ 7 này mình sẽ thực hiện một bài phân tích những chi tiết quan trọng của bộ phim, dĩ nhiên sẽ có spoil (10 chấm). Mình sẽ đi xem lần 2 tối mai sneakshow xuất 7:30PM ở CGV Landmark 81 và sẽ xem cho kỹ để mà còn có cái để phân tích.
Review 2
Dòng phim remake được Việt Nam áp dụng khá nhiều và cũng đạt được kết quả khả quan khi một số phim có doanh thu cao và được khen ngợi khá tốt. Tuy thế, đó đa phần đều là phim thuộc thể loại tâm lý xã hội, như phim Tháng năm rực rỡ, Em là bà nội của anh, Sắc đẹp ngàn cân... Còn thể loại thriller thì nhận được nhiều ý kiến trái chiều và khó có được nhiều sự đồng thuận của khán giả. Phim Bằng chứng vô hình cũng không ngoại lệ.
Tôi đã xem được 3 phiên bản của 3 quốc gia khác nhau bởi vì tôi cực kỳ thích kịch bản phim này. Câu chuyện được bắt đầu với hình ảnh một cô gái khiếm thị là Thu (Phương Anh Đào đóng) sống chỉ với duy nhất một con ch* to lớn. Con ch* vừa là thú cưng, vừa là bạn, vừa là một người dẫn đường mỗi khi Thu bước ra ngoài. Câu chuyện sẽ được dẫn từ từ đến quá khứ về cái nguyên nhân tại sao Thu bị mất thị lực và mất đi người em trai duy nhất trong một tai nạn ngoài ý muốn. Người thân duy nhất là người dì cũng chuẩn bị di cư sang nước ngoài sinh sống nên hoàn cảnh của Thu gần như là cô độc. Một buổi tối đêm mưa tầm tã trong ngày đám giỗ của em trai, Thu bước lên nhầm xe của một tên bắt cóc giết người hàng loạt (Quang Tuấn đóng) và chứng kiến một vụ đụng xe... bằng thính giác. Nhờ sự may mắn mà Thu thoát được tên bắt cóc nhưng khi lên đồn công an trình báo thì công an không tin vào lời khai của cô, chỉ vì cô bị mù. Khó khăn hơn nữa là khi nhân chứng thứ 2, một chàng trai trẻ 20 tuổi tên Hải (Otis đóng) lại cho lời khai trái ngược với Thu. Sự mâu thuẫn ban đầu này sẽ được hòa giải bằng cách nào? Liệu rằng với sự trợ giúp của nữ cảnh sát đặc nhiệm - chị Hòa (Ái Phương đóng), gã sát nhân bị phát hiện như thế nào?
Kịch bản này đặc biệt đòi hỏi kỹ thuật diễn xuất rất cao ở 2 nhân vật Thu và gã tài xế giết người. Nên phim sẽ thành công nhiều hơn nếu diễn xuất của Phương Anh Đào và Quang Tuấn thật sự tròn vai. Một người mù phải diễn sao cho giống với người thật sự bị mù. Và một kẻ biến thái bệnh hoạn phải lột tả được cái vẻ biến thái bệnh hoạn của hắn. Tôi sau khi xem phim này về đã thử lên mạng tìm xem về hàng trăm gương mặt của những kẻ biến thái bệnh hoạn của nhiều nước khác nhau. Đa số những kẻ đó đều có đôi mắt vô hồn, trống rỗng, mắt ti hí, hai bên không đều, tròng trắng mờ đục. Quang Tuấn thì không có đôi mắt giống như thế. Nên tôi có cảm giác Quang Tuấn vẫn chưa diễn tả được hết cái chất bệnh hoạn của kẻ sát nhân biến thái.
Còn Phương Anh Đào thì diễn xuất ổn chứ không đến nỗi đơ như nhiều luồng ý kiến. Một người mù đã mấy năm tự mình làm hết mọi việc trong nhà thành ra làm gì cũng thành thạo nhẹ nhàng, nhiều người tưởng giống như vẫn còn nhìn thấy nhưng thật ra không phải. Tôi còn biết một người khiếm thị dạy tin học cho mọi người chứ đừng nói đến người làm việc trong nhà hay đi ra ngoài đường. Những diễn viên còn lại, tất cả đều khá tròn vai. Ái Phương rất phù hợp với vai nữ cảnh sát can đảm, gan dạ, đương đầu với cái ác để giành lại chính nghĩa.
Có lẽ cái điều gây tranh cãi nhiều nhất là những hạt sạn trong phim, khiến cho những người thích vạch lá tìm sâu, các thánh nhặt sạn dựa vào để cho thêm nhiều điểm trừ. Có những cái sạn nhỏ không đáng kể ra, nhưng cũng có cái hơi phi lý, hơi khập khiễng. Chẳng hạn như câu trước chị cảnh sát nói “không tìm ra được một manh mối nào”, câu sau chị nói “size giày của hắn cỡ 44” Một điều tôi cực kỳ không thích trong phim là dựng cảnh đã quá lạm dụng màu tối, nhà tên sát nhân tối thì không nói, đồn Công an mà ánh đèn leo lét trong bóng tối luôn thì người ngoài nhìn vào không có thiện cảm. Ngoài ra, cái kết không tạo được sự bước ngoặt và cái mới so với phiên cũ trước nên gây chút xíu hụt hẫng. May nhờ có những thước phim xử lý tình cảm lúc phim gần kết thúc đã níu kéo lại được cảm xúc của người xem.
Kịch bản có phần cải tiến hơn so với kịch bản cũ. Nếu như trong phiên bản trước là những nam chính vai cảnh sát điều tra thì phiên bản Việt cho chị Hòa làm nữ cảnh sát điều tra. Một sự nâng cao trình độ và năng lực của phụ nữ thời nay không kém gì so với đàn ông. Do đó kịch bản có phần hợp thời hơn so với phiên bản năm 2011 và 2015. Điểm cộng cho phần cải biên kịch bản.
Đây là một phim remake của Việt Nam hoàn toàn ổn và đáng xem. Lồng vào đó rất nhiều ý nghĩa, bao gồm sự mất mát và chuộc tội, gia đình và sự tin tưởng, lời cảnh báo về những mối quan hệ trên mạng xã hội không an toàn... Nếu như ai chưa từng xem phiên bản cũ thì lại càng nên đi xem và trải nghiệm những cảm xúc lâng lâng mà bộ phim mang lại.
Review 3
Phim với gam màu tối chủ đạo làm mình cảm thấy luôn có nguy hiểm đang rình rập đâu đây. Rất nhiều cảnh quay với các góc quay, ánh sáng mập mờ và hiệu ứng âm thanh càng làm cho người xem cảm thấy hồi hộp, đặc biệt là những màn rượt đuổi. Mặc dù cốt truyện không có gì đặc biệt (tóm tắt phim đã có) và một vài tình tiết có thể đoán trước được nhưng mình thấy nhà làm phim vẫn biết cách dẫn dắt cảm xúc người xem theo đồ thị hình sin với đỉnh và đáy nằm ở vô cực. Có đoạn khán giả chỉ vừa vỗ tay rần rần khi get high sau một tình huống làm thoả mãn cảm xúc của mình thì bị kéo tụt xuống vực ngay sau đó chỉ vài giây. Cũng có những phân cảnh làm người xem phải nín thở chờ đợi, nhưng lại không có gì xảy ra và rồi lại khiến họ đau tim khi họ vừa mới vừa buông lỏng cảm xúc trở lại. Mình đặc biệt thích phân đoạn trên xe bus vì nó làm mình nhớ đến một số vụ việc rất thực tế ở Sài Gòn này.
Bằng Chứng Vô Hình rất đáng được khen ngợi vì theo mình nó không đi theo một số motif quen thuộc của phim Việt. Những cảnh tụ tập ở sân vườn hay phòng khách để tám chuyện đã không còn nữa. Những cảnh ăn uống được triệt tiêu gần như toàn bộ, chỉ còn một cảnh duy nhất ở gần cuối phim. Cảnh nóng không còn được dùng để thu hút người xem mà ngược lại, cảnh nóng lại rất… lạnh. Nhưng cũng vì thế, phim tập trung vào khai thác diễn biến vụ án và tâm lý nhân vật khiến nó không mất đi sự hấp dẫn. Phim cũng không có nhiều yếu tố gây cười nhưng đối với ai thích thể loại tâm lý phá án này thì đó không phải là vấn đề nữa. Đặc biệt phim có thể khiến bạn khóc.
Bên cạnh cái hay, Bằng Chứng Vô Hình vẫn còn một số vết gợn khiến mình cảm thấy hơi tụt mood. Đầu tiên, nữ chính Phương Anh Đào (nhân vật Thu) đã có màn diễn xuất tốt nhưng thoại vẫn còn chưa mượt ở đoạn đầu phim. Mình thích ca sĩ Ái Phương (vai cảnh sát Hoà) ở khoản này hơn. Tiếp theo đó là việc nhân vật phản diện có thừa sự liều lĩnh nhưng vẫn thiếu đi sự tinh vi và xảo quyệt. Còn một chi tiết nữa mình không chắc, có một nhân vật thuận tay trái nhưng hành động chủ yếu lại bằng tay phải (???) bạn nào xem rồi có thể feedback lại giúp mình. Cuối cùng, câu hỏi lớn nhất của mình khi rời rạp là nhận vật phản diện kia cực biến thái nhưng có vấn đề gì về tâm lý hay không thì mình không thấy có đề cập hay phân tích nào trong phim (???).
Tổng kết lại, phim hấp dẫn hơn trailer nhiều. Hồi hộp, lo sợ, căng thẳng có. Hài hước có. Cảm động có. Giận dữ có. Ghê tởm có. Thoả mãn có. Nếu bạn thích phim tâm lý tội phạm thì bạn cứ ra thẳng rạp mà xem, không nên đọc tóm tắt cũng không cần xem trailer.
Review 4
- Đạo diễn và dựng phim có sự tiết chế thời lượng phân cảnh so với bản Hàn nhưng cắt cúp vội quá, đôi lúc là con dao 2 lưỡi, sẽ khiến 1 số cảnh bị vụn. Sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại hay chuỗi hành động tương ứng giữa nhân vật Thu với tên sát nhân cùng nấu ăn là 1 điểm sáng trong cách dựng.
- Phương Anh Đào diễn tương đối tròn vai với những hành động của một người khiếm thị (thật chất nhân vật Thu vẫn thấy mơ hồ chứ không mất thị lực hoàn toàn). Quang Tuấn gần như bê nguyên xi lối diễn của thầy pháp từ Thiên linh cái với biểu cảm trợn mắt. Otis (vai Hải) đã rủ bỏ tạo hình nam thần soái ca trong dòng phim ngôn tình học đường để hóa thân vào nhân vật có nét gai góc, bụi bặm hơn.
- Phần âm thanh và âm nhạc tương đối hiệu quả. Âm thanh gợi được không gian ma mị nhưng cũng có những cảnh lạc quẻ như lúc chú ch* Ben chạy theo nhân vật Thu, hình thì ít thấy (chắc do boss chạy xa quá) còn tiếng sủa lại lâu lâu vang lên cho vui. Đó cũng là một cảnh "kinh điển" ở bản Hàn được nhiều fanpage lớn ở VN trích đăng 1 thời gian. Ca khúc cuối phim do Ái Phương thể hiện có thể níu chân người xem ở lại với credit.
- Phim có sự thay đổi (hay nói là sáng tạo) tình tiết so với bản Hàn như việc thay đổi nhân vật cảnh sát đồng hành cùng Thu. Tuy có nét mới và có ý nghĩa riêng nhưng việc chỉnh sửa này cũng làm lộ thêm những hạt 'sạn' khác mà bản gốc không có. Dù biết phim 'thriller' nên việc thiếu sáng góp công lớn để duy trì không khí hồi hộp nhưng đến cả đồn cảnh sát là nơi vốn phải "từ ấy trong tôi bừng nắng hạ" lại 24/24 đều u ám, mờ tối thì có phần không ổn.
- Phim 'buff' sức mạnh nữ chính hơi phi thường bởi người khiếm thị ít nhiều sẽ hạn chế về sức lực dù rằng trước đây cô từng là cảnh sát. Thế mà, Thu liên tục phải 'chạy đi chờ chi', chạy trối chết, chạy không biết mệt, té lên té xuống cái mặt cát không nhưng vẫn cắm đầu chạy nổi.
- Điều tra phá án chưa thể hiện rõ óc suy luận, phán đoán, trí thông minh mà có phần 'ăn may' nhiều hơn. Một trong những câu thoại hài hước của cô cảnh sát do Ái Phương đảm nhận: "Hắn ta không để lại dấu vết nào"... Vài giây trước: "Size giày hắn là 44". Xin từ chối hiểu.
- Tên sát thủ 'thông minh' ấy sẵn sàng thể hiện trí tuệ của mình qua việc: rượt đuổi Hải (Otis đóng) cùng trời cuối đất, giữa đường phố ngõ hẻm rình rang kiểu như 'đường thì bố mua hết rồi nhá'. Hoặc đuổi theo tóm Thu (Phương Anh Đào đóng) trên đường quốc lộ cũng chẳng ngán bố con đứa nào. Nhưng... đến lúc ra tay thì... kiểu 'mèo vờn chuột' cho vui chứ giết chóc gì tầm này. Hắn đập đầu Hải ình ịch nhưng không kết liễu, mà phải để nó sống. Ok, chắc nhờ hào quang của vai chính.
Phim sẽ được đánh giá cao hơn nhờ đoạn gần cuối (cách giải thoát sự dằn vặt, tội lỗi đè nặng Thu từ đầu phim bằng một tình huống tương tự là điểm sáng) nếu đây không phải là bản remake mà là kịch bản gốc của VN. Phim có cách kết dễ khiến khán giả đại chúng rơi vào trạng thái chưng hửng dù đã giải quyết gần như mọi việc. Nhưng việc bỏ ngõ cô cảnh sát sống chết ra sao, đoàn xe cảnh sát đang hối hả đến nhà Thu và cảnh đoàn tụ giữa Thu và Hải để chạy credit làm người xem thấy thiếu thiếu gì đó.
Nguồn Khen Phim Group
Sửa lần cuối: