tuyendung
Tài xế mới
Cách đây 2 tháng, cậu bé tôi rất tin tưởng xin nghỉ, cậu không nhìn thẳng vào tôi, cậu cho rằng cậu đang làm một điều gì đó có lỗi.
Lúc cậu xin làm, anh GĐĐH đã từ chối cậu vì cậu mới chỉ là sinh viên, sinh viên thường rất khó đào tạo, xét về thái độ, rất ít sinh viên chưa va chạm gì có thể làm được việc, chưa kể họ có thể gây chậm tiến độ hoặc hỏng công việc, chứ đừng nói là tạo ra giá trị gì cho công ty. Nhưng tôi vẫn quyết nhận cậu, cậu rất cảm kích và vào làm công ty với một tâm thế rất cố gắng và quyết tâm. Tôi cũng có lý do của mình.
Phân tích tâm lý một chút: Nếu nhận ngay và không nói cho cậu rằng cậu vừa bị reject từ anh GĐĐH, thì có lẽ cậu sẽ cảm thấy vào làm với tôi là một điều gì quá ư là hiển nhiên. Con người mà, chỉ cố gắng hơn khi có thách thức, kiểu như xa chân rớt xuống vực, bỗng nhiên, có bàn tay kéo cậu lên vậy.
Với vị trí Marketing Intern của mình, tôi chưa biết sẽ cho cậu làm gì, khoảng cách giữa tôi và cậu khá xa, tôi kể cho cậu rất nhiều câu chuyện ngày xưa tôi vào MNC như thế nào. Tôi cho cậu làm những việc tương ứng vs JD của một Manager.
Tôi chia sẻ với cậu tư duy đầu tiên, tôi không chia sẻ về kĩ thuật. Tôi không cho cậu biết điều đó, tôi cho rằng mỗi cá nhân con người đều có những khả năng tiềm tàng nếu biết khơi dậy đúng lúc, con người chỉ cần hội đủ 3 thứ: Nỗi đau, thách thức và sự tin tưởng, họ có thể làm được những thứ không tưởng.
Trải qua thời gian làm việc, cậu hoạch định kế hoạch và phân tích Proposal như một sinh viên nước ngoài thực thụ.
- Cậu theo tôi gặp phỏng vấn khách hàng để hiểu insight của họ.
- Cậu học tư duy và được tôi truyền cảm hứng, từ đó cậu dành rất nhiều thời gian cho việc tự học. Có những đêm cậu thức tới 3,4 giờ sáng để làm xong việc tôi giao và cũng để đảm bảo việc học. Hình ảnh của cậu chính là hình ảnh của tôi hồi xưa. Và đó cũng là lý do tôi nhận cậu.
- Cậu nhận thức được định tính và định lượng công việc, và việc tạo ra giá trị trong công ty.
- Cậu phá mất của tôi một fanpage, nhưng thay vì chỉ trích, tôi tận dụng cảm giác có lỗi của cậu để cậu làm việc tốt hơn. Cậu chủ động nghiện cứu những thứ chi tiết mà đôi khi còn giúp ngược lại cả tôi về kĩ thuật.
- Có cậu, tôi hoàn thành được nhiều Best Practice, qui trình để bất kì người mới nào đọc vào đều có thể làm được.
- Cậu được huấn luyện để chủ động nghiên cứu, tìm tòi chứ không phải hỡ ra sẽ hỏi, vì cậu biết tôi rất bận.
- Bất kể một thứ gì mới, cậu đều kể cho tôi nghe một cách hứng khởi. Và đó cũng là giây phút tôi biết rằng tôi cho cậu vào làm cùng, là quyết định đúng.
6 tháng sau, trong một lần làm việc cùng nhau, cậu bảo em dạo này mệt quá, xin nghỉ một tuần, tôi cứ nghĩ cậu bệnh thông thường, nhưng hóa ra cậu bị lao lực. Cậu vừa phải học hành trên trường, vừa phải đảm nhận một khối lượng công việc rất nặng từ tôi. Tôi cố tình để nới rộng khả năng tối đa của cậu trong thời gian ngắn nhất. Theo logich, chúng ta có 3 yếu tố: Công sức, thời gian và năng suất. Nếu muốn nhanh mà không bỏ công sức (thậm chí sợ hãi) hay không tăng thêm năng suất, thành quả tốt là điều vô lý. Tôi cho cậu biết được giới hạn của mình ở mức nào, con người đều không có giới hạn, điều quan trọng là bạn phải tin vào bản thân mình.
Cậu kể tôi nghe cậu vừa thuyết trình và phản biện cô giáo và hướng dẫn các bạn về công cụ quản lý thời gian (Time Management), cô giáo rất bất ngờ và khen cậu, cậu được 10 điểm và cô hỏi cậu đang làm cho công ty nước ngoài à. Tôi không hề dạy kinh tế, nhưng nhờ có tư duy đúng, sâu, các môn kinh tế của cậu đều điểm cao. Cậu còn rất tự tin nói với tôi rằng. Làm việc với anh tiêu chuẩn cao quen rồi, em thấy các bạn ở cách xa em quá về mọi thứ, xong cười thích thú.
Tôi không cười, dừng 2 phút và nói. Việc hài lòng với chính bản thân mình là điều mà anh không hề muốn ở em. Em đã bức phá, em càng phải bức phá hơn và hơn thế nữa. Em cũng không nhất thiết phải làm việc hay ngủ quá khuya. Cuộc sống này, cân bằng tình cảm, công việc, gia đình mới là khó. Làm việc nhiều không khó đâu. Cậu nói dạ. Sau khi xin nghỉ 1 tuần thì cậu bảo rằng cậu phải nghỉ công ty luôn, cậu không nhìn thẳng tôi. Kiểu như những điều tôi dự đoán từ trước đã đúng, cậu sẽ phá hỏng gì đó, cậu sẽ nghỉ giữa chừng và không gắn bó, cậu sẽ vô trách nhiệm về cơ hội mà tôi đã từng tạo ra cho cậu, có lẽ tôi sai lầm chăng? Trong lúc cậu chưa biết phản ứng thế nào.
Tôi bảo, không sao, thời gian internship ở đây em làm việc rất tốt, em là người có thiên hướng kĩ thuật (strong execution) và tư duy tốt. Em mới chỉ làm với anh, và đây cũng là công ty đầu tiên. Anh biết em sẽ phải trải nghiệm vài nơi nữa để có góc nhìn đa chiều về công việc, con người và cuộc sống. Em bàn giao xong cứ nghỉ, không vấn đề gì.
Cậu bảo, em biết ơn anh, nhưng em hỏi anh em, làm sao em trả được nợ, anh em bảo sau này trả ơn, chứ giờ lao lực quá không được, và phải tập trung vào việc học. Nhưng em không ngờ anh rất bình thản với quyết định của em.
Cậu bàn giao công việc và nghỉ ngơi. Cho đến bây giờ, thỉnh thoảng cậu vẫn đâu đó ủng hộ những việc tôi đang làm. Cậu giúp đỡ tôi rất nhiều về những công việc kĩ thuật, vì cậu là IT, không nề hà, không tính toán, hết sức tự nguyện.
Cách đây vài ngày, cậu có nhắn; em nhận ra anh không chỉ cho em kiến thức, anh cho em cả tư duy và nguồn cảm hứng. Thôi em đi tập đây...
Cậu type những từ cuối cùng với tâm trạng phấn khích. Cậu đã không còn đốt mình vào những đêm làm việc như thiêu thân nữa. Cậu đã biết cân bằng cuộc sống, công việc và sức khỏe. Cậu bảo sau này nếu có dịp phù hợp anh em ta sẽ hội ngộ, em sẽ lại giúp anh một tay. Cậu năm nay mới chỉ là sinh viên năm 2. Câu xuất sắc hơn tôi tưởng.
Tôi chỉ rút ra vài gạch đầu dòng trong việc quản trị nhân sự cho startups:
- Leadership (Khả năng lãnh đạo) và truyền cảm hứng (Inspiration) tốt, bạn sẽ có những đồng sự quí báu mà không dễ gì bạn có được trên đời này. Đó là thứ tình cảm chân thành. Tôi có thể từ chối gặp một đối tác không phù hợp, nhưng đi nhậu với cậu, nhất định tôi sẽ đi.
- Con người, là tài sản lớn nhất trong cuộc đời của chúng ta, của tổ chức mà bạn đang điều hành.
- Sinh viên có thái độ tốt không khó xin việc, vì bản thân nhu cầu ẩn chứa của các công ty cũng chỉ muốn có một nhân sự có thái độ tốt mà thôi, quan trọng là các bạn có đủ quyết tâm hay không.
- Hãy tập làm quen với việc tỉ lệ nhân sự (Turnover rate) nghỉ cao cho startups, tuy nhiên nếu chỉ số leadership của bạn tăng, và chỉ số thời gian gắn bó của nhân sự tăng lên theo thời gian, thì công ty bạn sẽ ổn định vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Và điều cuối cùng...
Tôi cho rằng, bất kì một nhân sự được tuyển dụng theo tiêu chí 70% Attitude, 24% Experience, 6% Skills. Một khi họ đã muốn nghỉ, họ đã cân nhắc rất nhiều rồi. Cho nên...
Việc mở ra cho họ một cánh cửa, chính là mở một cánh cửa mới cho chính mình.
Phung Le Lam Hai